Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm nguy hiểm và đôi khi gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em nếu bệnh không được điều trị nhanh chóng. Tiêm phòng vaccine, chích ngừa nhắc lại đầy đủ cho bản thân và gia đình là biện pháp tốt nhất và duy nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh bạch hầu, việc điều trị cần bắt đầu ngay lập tức không cần phải chờ có kết quả xét nghiệm vi khuẩn vì điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do bạch hầu gây ra.
1. Tìm hiểu chung
Bạch hầu là bệnh gì?
Bạch hầu là bệnh lý nhiễm trùng - nhiễm độc gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, có khả năng gây dịch. Bạch hầu có thể gây ra các triệu chứng và biến chứng rất nghiêm trọng như khó thở, suy tim, liệt cơ và thậm chí tử vong.
Hiện nay, bệnh gặp chủ yếu ở những đối tượng chưa được tiêm vắc xin đầy đủ và chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu. Bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh bạch hầu khi gặp trẻ bị viêm họng kèm giả mạc xám bao phủ amidan và cổ họng.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu
Thời gian ủ bệnh thường từ 2-5 ngày và lúc này người bệnh không có triệu chứng lâm sàng. Vào thời kỳ khởi phát, bệnh nhân có thể sốt từ 37,5-38 độ C kèm đau họng, mệt mỏi, chán ăn, khó thở. Khi khám họng có thể thấy họng đỏ, amidan có giả mạc màu trắng ở một bên, có thể sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động và không đau.
Vào ngày thứ 2-3 của bệnh trong thời kỳ toàn phát, bệnh nhân sốt cao hơn 38-38,5 độ kèm nuốt đau, da tái xanh, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp tụt. Giả mạc ở họng lan tràn một hoặc cả hai bên amidan hoặc nặng hơn lan tràn ra khắp màn hầu và lưỡi gà. Tính chất giả mạc khá đặc trưng là giả mạc màu trắng ngà hoặc vàng nhạt; giả mạc dai, không tan trong nước và dính chặt vào niêm mạc nên nếu bóc tách giả mạc có thể gây chảy máu. Hạch góc hàm sưng đau nhiều hơn.
Một số trường hợp hiếm hơn là bệnh nhân biểu hiện tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, sốt cao 39 - 40 độ C, giả mạc khắp môi và hầu họng, hạch cổ sưng to gây biến dạng cổ; triệu chứng viêm cơ tim, tổn thương thận và tổn thương thần kinh xuất hiện nếu có biến chứng.
Một thể lâm sàng bạch hầu khác hiếm gặp hơn là bạch hầu thanh quản với bệnh cảnh viêm thanh quản cấp với triệu chứng bệnh nhân là ho liên tục, tiếng ho ông ổng, khó thở thì hít vào, có tiếng rít thanh quản, khàn tiếng, có thể gây suy hô hấp, tử vong.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bạch hầu
Nếu không điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm lên các cơ quan như:
- Hô hấp: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tạo ra độc tố làm tổn thương mô ở vùng mà chúng xâm nhập (thường là mũi và cổ họng). Tại vị trí đó, vi khuẩn tạo ra một lớp giả mạc dai, cứng, màu xám /trắng/vàng được tạo thành từ các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Lớp giả mạc này có thể cản trở hô hấp.
- Tim mạch: Độc tố bạch hầu có thể theo đường máu và làm tổn thương các mô khác trong cơ thể. Ví dụ, độc tố có thể tổn thương cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim và đột tử.
- Thần kinh: Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh, điển hình là tổn thương các dây thần kinh vùng cổ họng gây khó nuốt. Các dây thần kinh ở tay và chân cũng có thể bị viêm/tổn thương gây ra tình trạng yếu cơ. Nếu độc tố bạch hầu làm tổn thương các dây thần kinh vận động các cơ hô hấp sẽ gây liệt hô hấp, bệnh nhân có thể suy hô hấp và tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra hoặc nếu bạn và người thân đã tiếp xúc với người bị bệnh bạch hầu, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh lý nhiễm trùng - nhiễm độc gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn lây qua đường hô hấp (giọt bắn) khi người bị nhiễm ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn bạch hầu lây lan rất dễ qua đường này đặc biệt ở nơi tiếp xúc đông người.
Ngoài ra, động tác sờ, chạm lên vật dụng trong nhà của người đã bị nhiễm cũng có thể lây lan bạch hầu.
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?
- Trẻ em và người lớn chưa tiêm chủng vaccine ngừa bạch hầu;
- Những người sống trong môi trường đông đúc hoặc mất vệ sinh;
- Người du lịch đến khu vực mà bệnh bạch hầu phổ biến.
- Ở những khu vực mà việc chích ngừa bệnh bạch hầu được phổ biến, nguy cơ bệnh chủ yếu đối với những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ , những người đi du lịch quốc tế hoặc tiếp xúc với những người từ các nước kém phát triển nơi mà tình trạng chích ngừa có thể không đầy đủ.
5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bạch hầu
Bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh bạch hầu khi gặp trẻ bị viêm họng kèm giả mạc xám bao phủ amidan và cổ họng.
Xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn C. diphtheriae từ mẫu bệnh phẩm giả mạc ở họng giúp xác nhận chẩn đoán.
Phương pháp điều trị bệnh bạch hầu hiệu quả
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh bạch hầu, việc điều trị cần bắt đầu ngay lập tức không cần phải chờ có kết quả xét nghiệm vi khuẩn vì điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do bạch hầu gây ra. Điều trị bao gồm: kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu.
Trẻ em và người lớn mắc bệnh bạch hầu phải được nhập viện để điều trị. Cần cách ly và điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt vì bệnh bạch hầu có thể lây lan dễ dàng cho bất kỳ ai không được tiêm phòng vaccine.
6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bạch hầu
Chế độ sinh hoạt:
Bệnh nhân phục hồi sau bệnh bạch hầu cần nghỉ ngơi nhiều trên giường. Tránh bất kỳ hoạt động gắng sức nếu tim của bạn đã bị ảnh hưởng.
Sau khi khỏi bệnh bạch hầu, bạn cần phải tiêm đủ liều vắc xin bạch hầu để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Phương pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Tiêm phòng vaccine và chích ngừa nhắc lại đầy đủ cho bản thân và gia đình là biện pháp tốt nhất và duy nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu.
Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh bạch hầu hoặc đã tiếp xúc với người bị bệnh bạch hầu, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị.
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn tham khảo
https://soyte.hanoi.gov.vn/benh-truyen-nhiem/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/bo-y-te-ban-hanh-huong-dan-chan-oan-ieu-tri-benh-bach-hau
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diphtheria/symptoms-causes/syc-20351897
https://www.nhs.uk/conditions/diphtheria/