Chẩn đoán bằng cách soi tìm đơn bào trong phân tươi hoặc vật chất chứa trong tá tràng và xét nghiệm tìm kháng nguyên Giardia hoặc xét nghiệm phân tử tìm DNA ký sinh trùng trong phân. Điều trị bệnh bằng kháng sinh metronidazole, tinidazole hoặc nitazoxanide hoặc paromomycin trong thời kỳ mang thai.
1. Tìm hiểu chung
Viêm ruột do Giardia là gì?
Giardia lamblia (hay còn gọi là G. intestinalis và G. duodenalis) là loài sinh vật đơn bào, thuộc lớp trùng roi (Trichomonas), một trong sáu lớp của ngành Động vật nguyên sinh (Protozoa), được tìm thấy trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém và nguồn nước không đảm bảo. Trong cơ thể người, trùng roi thường kí sinh ở phần đầu ruột non và tăng sinh quá mức gây ra bệnh viêm ruột.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột do Giardia
Nhiều trường hợp nhiễm Giardia không có triệu chứng.
Các triệu chứng của viêm ruột do Giardia cấp tính thường xuất hiện ngày 1 - 14 (trung bình 7 ngày) sau khi nhiễm bệnh. Triệu chứng thường nhẹ và bao gồm tiêu chảy, đau quặn bụng và chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn xen kẽ, khó chịu vùng thượng vị và đôi khi khó chịu ở mức độ nhẹ, mệt mỏi và chán ăn. Bệnh Giardia cấp tính kéo dài khoảng 1 - 3 tuần, thường đi kèm với chứng không dung nạp lactose. Hấp thụ kém chất béo và đường có thể dẫn đến giảm cân đáng kể trong những trường hợp nghiêm trọng. Không phát hiện máu và bạch cầu trong phân.
Một số ít bệnh nhân bị nhiễm bệnh bị tiêu chảy mãn tính với phân hôi, chướng bụng và đầy hơi khó chịu. Giảm cân đáng kể và mệt mỏi có thể xảy ra. Viêm ruột do Giardia mãn tính đôi khi gây ra tình trạng không phát triển ở trẻ em.
Ở những ca bệnh nặng có thể bị tổn thương niêm mạc hỗng tràng và tá tràng.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm ruột do Giardia
Viêm ruột do Giardia hầu như không bao giờ gây tử vong ở các nước phát triển có thể gây ra các triệu chứng kéo dài và các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Các biến chứng phổ biến nhất bao gồm:
Mất nước: Thường là kết quả do tiêu chảy nặng. Mất nước xảy ra khi cơ thể không có đủ nước để thực hiện các chức năng bình thường.
Chậm phát triển: Tiêu chảy mãn tính do nhiễm Giardia có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Không dung nạp lactose: Nhiều người bị nhiễm Giardia khỏi phát chứng không dung nạp lactose - không có khả năng tiêu hóa đường sữa và có thể tồn tại lâu sau khi nhiễm trùng đã được chữa khỏi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp mau chóng hồi phục sức khỏe.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm ruột do Giardia
Ký sinh trùng Giardia sống trong ruột của người và động vật. Trước khi các ký sinh trùng cực nhỏ được truyền qua phân, chúng sẽ được bao bọc bên trong lớp vỏ cứng gọi là nang, cho phép tồn tại bên ngoài ruột trong nhiều tháng. Khi vào bên trong vật chủ, các nang sẽ tan ra và giải phóng ký sinh trùng.
Nhiễm trùng xảy ra khi bệnh nhân vô tình nuốt phải các nang ký sinh trùng do sử dụng nguồn nước không an toàn, ăn phải thực phẩm bị nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc với người mang bệnh.
Uống nước bị ô nhiễm
Con đường lây nhiễm Giardia phổ biến nhất là uống phải nước không an toàn (bị ô nhiễm). Ký sinh trùng Giardia được tìm thấy ở các hồ, ao, sông và suối trên toàn thế giới, cũng như trong các nguồn cung cấp nước công cộng, giếng, bể chứa, bể bơi, công viên nước và spa. Nước ngầm và nước mặt có thể bị nhiễm Giardia từ nước chảy nông nghiệp, nước thải hoặc phân động vật. Trẻ em mặc tã và những người bị tiêu chảy có thể vô tình làm ô nhiễm hồ bơi, bể nước.
Ăn thực phẩm bị ô nhiễm
Ký sinh trùng Giardia có thể lây lan qua thực phẩm do người chế biến thực phẩm bị nhiễm Giardia không rửa tay kỹ hoặc do sản phẩm tươi sống được tưới hoặc rửa bằng nước bị ô nhiễm. Bởi vì nhiệt độ cao tiêu diệt được Giardia nên thực phẩm là nguồn lây nhiễm ít phổ biến hơn so với nước, đặc biệt là ở các nước công nghiệp.
Tiếp xúc với người mang bệnh
Có thể bị nhiễm Giardia nếu tay dính phân bẩn, cha mẹ thay tã cho trẻ đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh. Các nhân viên chăm sóc trẻ em ở các trung tâm giữ trẻ cũng vậy, nhất là ở các ổ dịch. Ký sinh trùng Giardia cũng có thể lây lan bằng quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm ruột do Giardia?
Ký sinh trùng Giardia là một loại ký sinh trùng đường ruột rất phổ biến, nên bất cứ đối tượng nào cũng có thể nhiễm và dẫn đến viêm ruột.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm ruột do Giardia
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm ruột do Giardia, bao gồm:
Trẻ em: Nhiễm Giardia ở trẻ em phổ biến hơn nhiều so với người lớn. Trẻ em có nhiều khả năng tiếp xúc với phân, đặc biệt là nếu mặc tã, tập đi vệ sinh hoặc ở trung tâm chăm sóc trẻ em. Những người sống hoặc tiếp xúc với trẻ nhỏ cũng có nguy cơ bị nhiễm Giardia cao hơn.
Không được sử dụng nước uống an toàn: Nhiễm Giardia lan tràn ở bất cứ nơi nào điều kiện vệ sinh không đầy đủ hoặc nước không an toàn để uống. Khách du lịch có nguy cơ mắc bệnh nếu đi đến những nơi thường bị nhiễm Giardia, đặc biệt nếu không cẩn thận khi ăn và uống. Rủi ro cao nhất ở các vùng nông thôn hoặc vùng hoang dã.
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng-hậu môn mà không sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác có nhiều nguy cơ bị nhiễm Giardia, cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tình trạng sức khỏe xấu hoặc đang bị suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch của những đối tượng này bị giảm sút dẫn đến tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm ruột khi nhiễm Giardia.
5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm ruột do Giardia
Xét nghiệm miễn dịch enzym để tìm kháng nguyên hoặc xét nghiệm phân tử tìm DNA của ký sinh trùng trong phân
Soi phân
Xét nghiệm miễn dịch enzym để phát hiện kháng nguyên ký sinh trùng trong phân nhạy hơn xét nghiệm bằng kính hiển vi. Chẩn đoán được các ký sinh trùng hoặc nang đặc trưng trong phân, nhưng sự bài tiết ký sinh trùng ở người không liên tục và số lượng ít trong các trường hợp nhiễm trùng mãn tính. Do đó, cần xét nghiệm phân nhiều lần để chẩn đoán bằng phương pháp này.
Việc lấy mẫu phần ruột phía trên cũng có thể giúp chẩn đoán nhưng hiếm khi cần thiết.
Phương pháp điều trị viêm ruột do Giardia hiệu quả
Đối với bệnh Giardia có triệu chứng, chỉ định thuốc tinidazole, metronidazole hoặc nitazoxanide. Điều trị thất bại và kháng thuốc có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào.
Tinidazole:
Tinidazole có hiệu quả tương tự metronidazole, nhưng được dung nạp tốt hơn và chỉ cần dùng một liều duy nhất như sau:
- Người lớn: 2 g uống một lần;
- Trẻ em: 50 mg/kg [tối đa 2 g] uống một lần.
Metronidazole:
- Người lớn: 250 mg uống 3 lần một ngày trong 5 đến 7 ngày;
- Trẻ em: 5 mg/kg uống 3 lần một ngày trong 5 đến 7 ngày.
Tác dụng ngoại ý của metronidazole bao gồm buồn nôn và đau đầu. Phụ nữ có thai không nên dùng metronidazole và tinidazole. Phải tránh uống rượu vì những thuốc này có tác dụng giống như disulfiram. Tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa do tinidazole gây ra thường được dung nạp tốt hơn metronidazole.
Nitazoxanide:
Nitazoxanide được dùng bằng đường uống trong 3 ngày như sau:
- Từ 1 đến 3 tuổi: 100 mg 2 lần một ngày;
- Tuổi từ 4 đến 11 tuổi: 200 mg 2 lần một ngày;
- Tuổi > 12 (kể cả người lớn): 500 mg 2 lần một ngày.
Nitazoxanide có chế phẩm dạng lỏng cho trẻ em.
Tính an toàn của nitazoxanide trong thai kỳ chưa được đánh giá. Nếu không thể trì hoãn điều trị vì các triệu chứng, thì aminoglycoside paromomycin không hấp thụ được (8 đến 11 mg/kg uống 3 lần một ngày trong 5 đến 10 ngày) là một lựa chọn nếu lợi ích nhiều hơn nguy cơ.
Furazolidone, quinacrine, hoặc albendazole hiếm khi được sử dụng vì độc tính tiềm ẩn, hiệu quả thấp hơn hoặc tốn kém.
Ngay cả sau khi chữa khỏi ký sinh trùng, bệnh nhân có thể bị không dung nạp lactose, hội chứng ruột kích thích hoặc mệt mỏi.
6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của viêm ruột do Giardia
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Uống đủ nước để bù lại lượng đã mất do tiêu chảy. Có thể sử dụng hydrite hoặc oresol để bổ sung đồng thời nước và điện giải.
- Không dùng aspirin, ibuprofen hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDS) mà không hỏi ý kiến bác sĩ. NSAID có thể gây chảy máu dạ dày và các vấn đề khác. Những rủi ro này tăng lên theo độ tuổi. Trừ khi được bác sĩ kê đơn, không nên dùng thuốc này trong hơn 10 ngày.
- Nếu bị chuột rút hoặc đau dạ dày, có thể đặt một chai nước nóng hoặc miếng đệm nóng lên bụng. Đậy nắp chai nước nóng bằng khăn hoặc đặt đệm sưởi ở mức thấp để không bị bỏng da.
Chế độ dinh dưỡng:
Cho dạ dày và ruột nghỉ ngơi nhưng đảm bảo cung cấp đủ lượng nước. Có thể thay thế nước lọc bằng trà loãng, nước trái cây pha với nước, Jell-O, hoặc nước ngọt không có caffeine... Tránh loại nước chua, như nước cam, hoặc có chứa caffeine, như cà phê. Nếu bị tiêu chảy, không được uống sữa.
Có thể ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá. Những lựa chọn tốt là bánh quy giòn, bánh mì nướng, mì thường hoặc cơm, ngũ cốc nấu chín, sốt táo và chuối. Ăn chậm và tránh thức ăn khó tiêu hóa hoặc có thể gây kích ứng dạ dày, chẳng hạn như thức ăn có vị chua (như cà chua hoặc cam), thức ăn cay hoặc béo, thịt và rau sống. Có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường sau một vài ngày.
Phương pháp phòng ngừa viêm ruột do Giardia hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Không có loại thuốc hoặc vaccine nào có thể ngăn ngừa nhiễm Giardia, nhưng có thể thực hiện một số biện pháp để phòng ngừa bệnh như:
Rửa tay: Đây là cách đơn giản và tốt nhất để ngăn ngừa hầu hết các loại nhiễm trùng. Rửa tay bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã, và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn. Khi không có xà phòng và nước, có thể sử dụng chất sát trùng có cồn. Tuy nhiên, chất khử trùng có chứa cồn không hiệu quả trong việc tiêu diệt dạng nang Giardia tồn tại trong môi trường.
Làm sạch nước trong tự nhiên: Tránh uống nước chưa qua xử lý từ giếng cạn, hồ, sông, suối, ao và suối trừ khi đã lọc hoặc đun sôi trong ít nhất 10 phút ở nhiệt độ trên 70oC.
Rửa thức ăn: Rửa mọi loại trái cây và rau sống bằng nước an toàn, không bị ô nhiễm. Gọt vỏ trái cây trước khi ăn. Tránh ăn trái cây hoặc rau sống nếu đi du lịch ở những quốc gia mà họ có thể tiếp xúc với nguồn nước không an toàn.
Ngậm miệng khi bơi: Cố gắng không nuốt nước khi bơi trong hồ bơi, hồ hoặc suối.
Sử dụng nước đóng chai: Khi đi du lịch đến những nơi trên thế giới có thể nguồn cung cấp nước không an toàn, hãy uống và đánh răng bằng nước đóng chai . Không sử dụng đá.
Quan hệ tình dục an toàn: Nếu quan hệ tình dục qua đường hậu môn, cần sử dụng bao cao su. Tránh quan hệ tình dục bằng miệng-hậu môn trừ khi đã có biện pháp bảo vệ đầy đủ.
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn tham khảo
1. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/intestinal-protozoa-and-microsporidia/Giardiasis
2. https://vncdc.gov.vn/benh-viem-ruot-do-giac-di-a-nd14545.html
3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/Giardia-infection
4. https://hhma.org/healthadvisor/aha-gastgiar-crs