Viêm tuyến tiền liệt ảnh hưởng sức khỏe nam giới như thế nào?

Viêm tuyến tiền liệt có thể gặp ở nam giới thuộc bất kỳ độ tuổi nào. Bệnh gây đau đớn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và đôi khi gây nên các biến chứng sang những vùng xung quanh tuyến tiền liệt. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, hãy đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

1. Tìm hiểu chung

Viêm tuyến tiền liệt là gì? 
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm ngay dưới bàng quang ở nam giới, chịu trách nhiệm sản xuất tinh dịch, giúp vận chuyển tinh trùng. Viêm tuyến tiền liệt sẽ gây sưng, đau tuyến này và có thể ảnh hưởng cả các vùng xung quanh như háng, vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục.

Có các dạng viêm tuyến tiền liệt sau:

  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn: Đây là loại phổ biến nhất và thường kéo dài hàng tháng. 
  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: Đây là dạng viêm tuyến tiền liệt nặng nhất, ít phổ biến nhất và cần điều trị ngay lập tức. Các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện đột ngột (sốt, ớn lạnh và tinh dịch có máu) ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe bệnh nhân. 
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn: Dạng nhiễm trùng này nhẹ hơn và ít phổ biến hơn, có thể xuất hiện và biến mất theo thời gian. Các triệu chứng có thể tương tự như viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn nhưng ít nghiêm trọng hơn.
  • Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: Thông thường được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ và có thể tự khỏi, không cần thiết điều trị.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn thường gây ra:

  • Đau ở bụng dưới, thắt lưng hoặc trực tràng;
  • Đau xung quanh dương vật hoặc bìu;
  • Mắc tiểu gấp không kiềm được;
  • Tiểu khó hoặc tiểu không hết, luôn có cảm giác mắc tiểu;
  • Đi tiểu thường xuyên, lắt nhắt, đặc biệt vào ban đêm;
  • Đau, nóng rát khi đi tiểu và khi xuất tinh;
  • Cảm giác ớn lạnh;
  • Sốt;
  • Đau nhức cơ;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Nước tiểu có máu, có mùi hôi hoặc đục.
  • Với viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, triệu chứng sẽ tương tự nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Tác động của viêm tuyến tiền liệt đối với sức khỏe 
Viêm tuyến tiền liệt có thể làm bệnh nhân đau đớn, mệt mỏi đồng thời cũng gây khó khăn trong sinh hoạt thường ngày do tiểu khó, không tiểu hết được. Bên cạnh đó, việc đi tiểu thường xuyên cũng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm lý của bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt
Trường hợp viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn (kể cả mạn tính và cấp tính), vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng đường tiết niệu cũng như các cơ quan lân cận khác (viêm tinh hoàn, nhiễm trùng vùng chậu...).

Bên cạnh đó, viêm tuyến tiền liệt có thể gây biến chứng rối loạn tình dục, rối loạn cương dương, thậm chí là vô sinh (do những thay đổi trong tinh dịch, tinh trùng), gây lo lắng, trầm cảm…

Không chỉ vậy, viêm tuyến tiền liệt còn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến tiền liệt
Nguyên nhân chính gây ra viêm tuyến tiền liệt là vi khuẩn, phổ biến nhất là Escherichia coli, kế đến là các vi khuẩn gây những bệnh lây truyền qua đường tình dục (Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis).

Ngoài ra, chấn thương hoặc các vấn đề về hệ miễn dịch cũng có thể gây viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tuyến tiền liệt?
Nam giới ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi từ 20 – 40 tuổi và trên 70 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tuyến tiền liệt
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm tuyến tiền liệt, bao gồm:

  • Từng đặt ống thông tiểu;
  • Từng sinh thiết tuyến tiền liệt;
  • Đã/đang nhiễm trùng bàng quang hoặc tổn thương dây thần kinh vùng chậu do phẫu thuật hoặc chấn thương;
  • Tiền sử viêm/phì đại tuyến tiền liệt;
  • Bị nhiễm HIV/AIDS;
  • Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh truyền nhiễm;
  • Căng thẳng tâm lý.

5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

  • Kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE);
  • Massage tuyến tiền liệt để thu tinh dịch tích tụ trong túi đem xét nghiệm;
  • Chụp CT, chụp MRI;
  • Siêu âm trực tràng;
  • Nội soi bàng quang;
  • Đo niệu động học;
  • Có thể có xét nghiệm máu và nước tiểu.

Phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt hiệu quả
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Thuốc kháng sinh:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: Dùng thuốc trong ít nhất 14 ngày.
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn: Dùng thuốc trong 4 – 12 tuần.
  • Thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen…).
  • Thuốc chẹn α để giảm sự co thắt cơ vòng niệu đạo do ảnh hưởng của viêm tuyến tiền liệt.
  • Thuốc kháng viêm (NSAID).
  • Ngâm nước ấm, massage tuyến tiền liệt để giảm đau.
  • Có thể phải dẫn ống thông tiểu nếu bệnh nhân không thể tự tiểu được.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tuyến tiền liệt
Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục vừa sức.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh uống rượu, cà phê, thức uống có gas, thức ăn quá chua hoặc quá cay để không gây kích thích bàng quang quá mức.
  • Uống nhiều nước.
  • Giảm bớt lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hoặc thuốc chứa quercetin (chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm viêm tuyến tiền liệt, có trong hành tây, táo, tỏi và các loại thực vật khác).

Phương pháp phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục.
  • Thực hiện các biện pháp an toàn khi sinh hoạt tình dục (dùng bao cao su…).

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Nguồn tham khảo
Healthline: https://www.healthline.com/
Mayoclinic: https://www.mayoclinic.org/
WebMD: https://www.webmd.com/
https://www.urologyhealth.org/
https://www.nhs.uk/

TAGviêm tuyến tiền liệt

Ý kiến của bạn

code

Tin liên quan

Comment mới nhất

Địa chỉ nhà thuốc uy tín

  • Nhà thuốc Viện Quân Y

    Đ/c: Số 104 - Đường Phùng Hưng - Quận Hà Đông - Hà Nội
    Đ/t: 024. 3998.16.99

    Website: nhathuocvienquany.com

  • Siêu Thị Thảo Dược

    Đ/c: Số 39A Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, HN
    Đ/t: 0969 023 026

    Website: sieuthithaoduoc.com

  • Nhà thuốc Y Dược Quân Đội

    104 phùng hưng, hà đông, Hà Nội
    Đ/T: 0969 023 026

    Website: yduocquandoi.com

  • Nhà thuốc Fucoidan Chính Hãng

    39A Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    Đ/T: 0832.030303

    Website: fucoidanchinhhang.com

Viên dạ dày plus học viện quân y
scroll